Mở Rộng Cơ Hội Việc Làm Cho Lao Động Nông Thôn

Ở nước ta, lao động nông thôn chiếm tỉ lệ cao và là lực lượng chủ yếu sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Dù trong những năm qua xu hướng đô thị hóa gia tăng nhưng lao động ở nông nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong đội ngũ lao động của cả nước.

Họ hoạt động chủ yếu trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Vì công việc chủ yếu mang tính chất mùa vụ cao, nguồn lao động nhàn rỗi nên vấn đề giải quyết tìm việc làm nhanh cho lao động nông thôn đang được Nhà nước ta quan tâm nhiều hơn hết. Trong những năm gần đây, do diện tích ruộng đất ngày càng thu hẹp, nguồn lao động nhàn rỗi nhưng công cuộc tìm việc làm gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn gia tăng. Nhờ những chính sách tích cực của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, tình hình việc làm của lao động nông thôn đã được cải thiện, tuy nhiên những đặc điểm cố hữu của lực lượng này vẫn là những cản trở để đưa ra giải pháp cải thiện cơ hội việc làm cho họ.

Đa số lao động nông thôn ở nước ta có trình độ văn hoá và chuyên môn thấp hơn so với thành thị. Tỷ lệ người lao động ở nông thôn được qua đào tạo hay có trình độ chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Họ lao động sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống từ các thế hệ trước, áp dụng các phương thức thủ công, nhiều phương thức sản xuất còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất không cao, năng suất lao động thấp. Sự thay đổi phương hướng sản xuất và thực hiện phân công lao động là khá khó khăn, gây hạn chế cho sự phát triển nền kinh tế nông thôn.

Tình trạng thiếu việc làm cho người lao động nông thôn là phổ biến vì hoạt động sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ rõ rệt. Ở nông thôn thường không có sẵn đa dạng các ngành nghề công việc để người lao động có thể tìm việc làm thêm trong khoảng thời gian “nông nhàn” của họ, tình trạng thiếu việc làm trở nên khá phổ biến. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của lao động nước ta vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu bị trói buộc trong khuôn khổ làng xã nên lao động nông thôn ít có cơ hội tiếp cận và tham gia thị trường rộng lớn, khả năng giao lưu và phát triển sản xuất hàng hoá cũng có nhiều hạn chế. Hơn nữa, lực lượng này tập trung rải rác trên nhiều địa bàn nên việc đào tạo, thông tin tuyên truyền cũng gặp nhiều hạn chế.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn qua nhiều chính sách như chính sách đất đai, theo đó, người dân được quyền tự chủ với tư liệu sản xuất của mình. Thu nhập của người dân được cải thiện do việc làm tại nông thôn ngày càng được tạo ra nhiều hơn. Nhà nước đã thực hiện dồn điền đổi thửa, phát triển mạnh kinh tế trang trại trên phạm vi cả nước. Đối với chính sách tín dụng nông thôn, người dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng việc sản xuất kinh doanh và phát triển ngành nghề, tự tạo việc làm bán thời gian cho bản thân và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho nhiều người lao động khác. Về chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, người dân được khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn và trang trại, đưa cây trồng và con gia súc mới vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các ngành phi nông nghiệp trong nông thôn được xen kẽ để giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Đáng chú ý là chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hàng chục người lao động nông thôn được xuất khẩu lao động. Chương trình này có ý nghĩa to lớn trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm mới trong nước. Những người lao động ở nước ngoài sau một thời gian có thể mang những kỹ thuật và kinh nghiệm họ học được về để áp dụng cải thiện năng suất lao động trong nước.

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Việc đào tạo có thể giúp cho lao động nông thôn có điều kiện tiếp cận với những kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất lao động. Nhờ có công tác đào tạo nghề, nhiều lao động nông nghiệp đã có thể tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tự tìm việc làm mới, có định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Đây là một bước đột phá trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở nước ta thời gian qua.

Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta vẫn đang hướng tới chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng cách tận dụng tiềm năng, khai thác thế mạnh của chính địa phương để phát triển các ngành như du lịch, thương mại, đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh nhằm tạo sự chuyển biến kinh tế và mở rộng thêm nhiều ngành nghề việc làm đáp ứng nhu cầu tìm việc làm của chính người lao động địa phương.

Những chính sách trên được hy vọng sẽ góp phần cải thiện đời sống của người lao động nông thôn và tận dụng được nguồn lao động lớn ở nước ta, góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động.