Có thể bạn chưa biết, để gây ấn tượng cũng như nắm chắc phần thắng trong buổi phỏng vấn thì không chỉ trả lời đúng những câu hỏi của nhà tuyển dụng mà bạn cần phải là người thu hút. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn xem qua những bí quyết giới thiệu bản thân khi phỏng vấn ngay sau đây!
Gửi lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”, hình ảnh và cách ứng xử ban đầu cũng đem lại cho đối phương những ấn tượng về bạn đấy! Đầu tiên trước khi bắt đầu giới thiệu bản thân, bạn nên gửi lời cảm ơn chân thành tới nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Điều này tuy đơn giản nhưng nhiều ứng viên đã vô tình bỏ qua. Vì vậy, hãy tận dụng những điều cơ bản này để thể hiện bạn tôn trọng họ và từ đó thể hiện bạn là một ứng viên chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
Giới thiệu đầy đủ họ tên, tuổi tác
Có thể những thông tin đã được cập nhật đầy đủ trên CV nhưng việc nhắc lại lần nữa trong buổi phỏng vấn cũng không hề mất thời gian chút nào. Ngoài ra, nhà tuyển dụng sẽ bao gồm rất nhiều người và không hẳn ai cũng nắm qua họ tên và tuổi tác của bạn. Vì vậy, hãy tỉ mỉ giới thiệu đầy đủ họ tên, tuổi tác để cuộc nói chuyện được dẫn dắt tự nhiên, thoải mái hơn.
Giới thiệu trình độ học vấn, chuyên môn
Sau khi đã giới thiệu bạn là ai, bao nhiêu tuổi thì tiếp đó là những thông tin về trình độ học vấn, chuyên môn mà bạn đã đề cập trong CV. Như đã chia sẻ bên trên, việc nhắc lại sẽ giúp cho nhà tuyển dụng chú ý những thông tin của bạn hơn. Ngoài ra, trên CV sẽ không thể nào liệt kê đầy đủ và cụ thể những điểm nổi bật của bạn. Biết đâu đây lại là cơ hội để bạn thể hiện trình độ chuyên môn của mình để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng đấy!
Giới thiệu kinh nghiệm làm việc
Đây có thể xem là mục mà nhà tuyển dụng quan tâm nhất, vì vậy bạn hãy thông minh chọn lọc những kinh nghiệm nhằm đáp ứng với vị trí mà bạn nộp CV vào. Lưu ý là bạn nhớ đừng trình bày quá lan man, làm nhiễu loạn thông tin và thậm chí là trình bày sai những thông tin cập nhật trên CV.
Nếu nộp vào vị trí thực tập, bạn chưa có kinh nghiệm làm việc trước đó thì hãy tự tin trình bày những hoạt động lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này cũng cho thấy bạn là một con người hoạt bát, năng nổ, siêng năng và chịu học hỏi. Và hơn hết vẫn là trình bày một cách chân thật, không phô trương những kinh nghiệm làm việc của bản thân, nhằm tránh những bất đồng giữa thông tin trên CV và khi bạn trình bày.
Sơ lược về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân
Một trong những bước giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là trình bày sơ lược qua những điểm mạnh và yếu điểm của bản thân. Có thể ở phần này nhà tuyển dụng sẽ chủ động đặt câu hỏi riêng cho bạn, nhằm đánh giá mức độ phù hợp giữa bạn và vị trí ứng tuyển. Do đó, bạn cần thật sự hiểu rõ những đặc điểm này ở bản thân để trình bày ngắn gọn nhằm để nhà tuyển dụng hiểu được những tiềm năng cũng như những hạn chế của bạn. Đây cũng là phần khá cần thiết cho những sinh viên vừa ra trường, vì có thể những tính cách tiêu biểu ở bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng cân nhắc hơn.
Sơ lược về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
Để biết ứng viên có thật sự phù hợp cũng như gắn bó với công ty mình hay không, thì nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi về mục tiêu ngắn cũng như dài hạn của ứng viên. Vì vậy, đây là mục mà bạn nhất định phải chuẩn bị kỹ càng cũng như chân thật nhất trong buổi giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Ngoài việc vạch định rõ ràng về định hướng phát triển bản thân thì ở phần này, nhà tuyển dụng còn thấy được cá tính cũng như quyết tâm của bạn cho công việc này.
Nguyện vọng với vị trí làm việc
Có thể ở phần này, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi cho bạn hỏi ngược lại họ. Thay vì phản hồi không có gì để hỏi thì bạn phải tận dụng nó để hỏi về cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, các khóa đào tạo ở công ty. Từ đó xác định được bản thân và công ty có phù hợp hay không. Và hơn hết vẫn là khao khát làm việc lâu dài tại công ty của chính ứng viên đó.
Gửi lời cảm ơn sau khi hoàn thành bài giới thiệu
Đã trao đổi cặn kẽ những thông tin của bản thân cho nhà tuyển dụng thì cuối cùng, bạn đừng quên gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian cho bạn, lắng nghe và trao đổi cùng bạn. Mặc dù đây là bước cơ bản nhưng nhiều ứng viên đã bỏ qua, có thể đây là nguyên nhân khiến bạn bị “mất điểm”.
Trên đây là tóm lược những phần quan trọng trong giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì bạn nên nhớ phải chân thật khi đề cập những thông tin của bản thân. Chúc bạn thành công nhé!