Cách Từ Chối Công Việc Khéo Léo

Cuộc sống là sự vận động, là thay đổi từng ngày và cũng không quá khó hiểu nếu bạn đã phỏng vấn một công việc nhưng cuối cùng lại muốn từ chối làm việc ở vị trí ấy. Sự đồng ý thì bao giờ cũng dễ dàng được nói ra hơn so với sự chối từ. Vì thế đã có rất nhiều người khá băn khoăn không biết nên mở lời về việc từ chối với nhà tuyển dụng thế nào mà họ vẫn giữ được thiện cảm với mình. Vậy thì chúng ta hãy đọc bài viết bên dưới để biết được cách từ chối công việc khéo léo nhé.

Có rất nhiều lý do để chúng ta từ chối cơ hội công việc ở một công ty mới. Có thể là do công việc này khác với tưởng tượng của bạn cũng như không giúp bạn nhiều trong việc phát triển bản thân, cũng có thể là do chính sách đãi ngộ từ phía công ty chưa đáp ứng được mong muốn của bạn,… Dù là vì nguyên nhân nào thì bạn cũng sẽ cảm thấy khó xử và bối rối vì không biết cách từ chối sao cho thật khéo léo. Dưới đây sẽ là một số lời khuyên hữu ích để bạn có thể vận dụng cho mình.

  • Trả lời sớm nhất có thể

Chắc hẳn bạn sẽ có khoảng thời gian suy nghĩ, cân nhắc để có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho mình, nhưng việc bạn xem xét quá lâu đôi lúc lại vô tình ảnh hưởng đến cơ hội làm việc của những người khác. Vì thế, hãy rút ngắn nhiều nhất có thể thời gian phản hồi lời mời làm việc của doanh nghiệp và thời gian trả lời hợp lý nhất sẽ là trong vòng 24 giờ sau khi bạn nhận được thư từ nhà tuyển dụng.

Bạn có thể hồi đáp lời mời công việc của một công ty thông qua hai hình thức đó là gọi điện thoại hoặc gửi email. Dù lựa chọn hình thức nào thì bạn hãy cố gắng trả lời càng sớm càng tốt để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch tuyển dụng hoặc tìm người thay thế nhanh chóng hơn, tránh gây chậm trễ hoạt động của công ty. Cho dù bạn không làm việc ở công ty họ nhưng cũng phải thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, làm được điều này bạn sẽ có được phần nào thiện cảm của phía công ty mặc dù không làm việc ở đó.

  • Thể hiện thái độ biết ơn

Bạn cần thể hiện được thái độ biết ơn về việc công ty đã dành thời gian để xem xét, lựa chọn hồ sơ xin việc của bạn cũng như sắp xếp thời gian để phỏng vấn và trao cho bạn cơ hội làm việc ở đây. Do đó thay vì một câu trả lời thẳng thừng rằng “Tôi không chấp nhận lời mời cho công việc này” thì hãy thật khéo léo với nhà tuyển dụng ví dụ bạn có thể thông báo rằng “Tôi rất biết ơn quý công ty vì đã sắp xếp thời gian cho buổi phỏng vấn tuần trước của tôi về vị trí ứng tuyển, có thể nói đó là một cuộc trao đổi thú vị”.

  • Nêu lý do ngắn gọn

Việc đưa ra lý do cũng cần phải có sự tế nhị, tránh gây cảm giác khó chịu cho nhà tuyển dụng mặc dù có thể bạn thấy môi trường làm việc ở đây không phù hợp với mình, thiếu chuyên nghiệp hoặc phúc lợi thấp… nhưng bạn không nên nêu những lý do đó cho sự từ chối của mình. Và bạn cũng không cần phải trình bày dài dòng để mong nhận sự thông cảm từ công ty tuyển dụng, sự chuyên nghiệp thể hiện ở việc giải thích ngắn gọn và rõ ràng là đủ. Một ví dụ để dễ hình dung, bạn có thể nói: “Sau khi nhận được lời mời làm việc của quý công ty, tôi đã xem xét cẩn thận tuy nhiên vị trí này chưa thật sự phù hợp với nguyện vọng cũng như định hướng phát triển nghề nghiệp của tôi”.

Cuối cùng là lời cảm ơn hoặc bạn có thể gửi đến doanh nghiệp một lời chúc tốt đẹp “Tôi thực sự cảm ơn sự tín nhiệm của quý công ty. Hy vọng doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển hơn nữa”. Bạn cũng có thể đưa ra mong muốn giữ liên lạc với công ty “Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được trao đổi cùng với anh/chị, mong rằng chúng ta sẽ có dịp để hợp tác với nhau trong tương lai”.

Đó là toàn bộ những nội dung, yêu cầu cần có cho cách từ chối công việc khéo léo. Một cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, thế nên cơ hội vẫn luôn ở xung quanh ta. Chúc bạn sẽ sớm tìm được một công việc phù hợp với định hướng phát triển của mình.